Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

chiều - mưa - phố - biển


I.
              Ngót năm ngàn năm trăm ngày mới trở lại. Không còn nhận ra chút nào của ngày cũ.
             Con đường đưa về phố biển chia hai chiều, thênh thang, tít tắp, trải dài ven biển. Hai bên và ở khoảng đất phân cách giữa hai chiều đường, cây lá hoa đua nhau vẫy tay như chào đón, như mơn man ve vuốt cho râm ran thêm niềm hứng khởi được về thưởng lãm lại miền đất một ngày xa đã từng ghé qua. 
              Đã hơn 4h chiều của ngày cận cuối tuần mà đường vẫn rất thưa. Chiếc xe vẫn rất nhàn trong tốc độ xấp xỉ tốc độ trên cao tốc. Tít xa, thấp thoáng về phía cuối con đường, những tòa nhà cao vút đứng lặng lẽ nhưng vẫn không giấu được niềm kiêu hãnh của đứa con được mang một gốc gác giàu có và hiện đại. Chớm khúc ngoặt, một không gian khác hoàn toàn với vẻ thông thoáng, rộng rãi nhưng có phần nào ẩn mình của phố biển như người ta vừa cảm nhận suốt đoạn đầu dẫn vào thành phố, phố biển hiện ra ồn ào, tấp nập, hiện đại. Khách sạn, nhà hàng, người, xe, và biển, bãi biển và sóng... làm chộn rộn rất thực những tâm hồn đang nao nức... 


               Sau vài lúng túng đổi thay, rồi cũng chọn bãi phía sau giáp núi Nhỏ, khu vực ít phồn hoa nhất của phố biển làm nơi dừng chân thưởng lãm. Vội ra biển để kịp với chiều. Nhưng bàn chân chỉ vừa mới chạm xuống bờ cát mịn màng thì những hạt mưa biển đầu tiên đã rơi xuống như một lời đón không mấy mặn mà. Vậy nhưng vẫn cuống quít lao về phương biển, cố  dìm mình ngập vào cái nhịp điệu nhiệt cuồng mênh mang rất riêng của biển. Để ngăn những vị khách khiếm nhã cố tình bước vô cửa nhà mình, biển thả thêm mưa, những hạt dày và mạnh hơn. Thôi đành trở về phòng nghỉ mà ngó biển qua ô cửa sổ rộng vậy. Chắc Phố biển chẳng muốn đón tiếp ta - một kẻ lãng hành gan lì, vô tình và bất nhã!
                 Chỉ có một quãng ngắn: bờ cát - vỉa hè - mặt đường nhựa,  lại còn guồng chân tít mù,  vậy mà về tới phòng, mưa biển đã kịp làm ta đẫm nước. Vẫn biết quyết liệt, rạch ròi là sắc thái riêng của biển nhưng ta vẫn ngạc nhiên trước cái dữ dội của mưa biển chiều nay. Ngươi không thể nương nhẹ với ta hơn được sao, mưa biển? Hai ngày trời vượt qua hơn hai ngàn cây số, chưa khỏi hẳn dị ứng đã lại bị cúm hỏi thăm, giờ ngươi lại đuổi ta thế này, sao ta còn đủ sức mà khám phá vẻ đẹp của quê hương ngươi đây hỡi mưa biển!
                    Tần ngần bên khung cửa sổ , đưa tầm mắt ra ngoài, cả một không gian rộng mờ mờ  trong làn mưa. Phố biển lấp loáng, đèn đường, đèn xe, đèn biển hiệu nhà hàng khách sạn sáng nhòa, một vùng rộng lớn khu bãi tắm biển chạy theo hình vòng cung quang sạch bóng người, chỉ còn cát, biển và mấy hòn đảo mơ hồ  phía xa. Mưa đập mạnh vào khung cửa, cùng gió thổi bạt chiếc rèm 2 lớp về phía sau. Chẳng mấy chốc, cả một khoảnh nhỏ trong căn phòng đã ướt đầy nước. Ưh, tao hiểu mày rồi, mưa ơi, không dám nhìn mày nữa, tao kéo cửa lại đây! 
                   Nhưng chừng 6h chiều, hoàng hôn chưa kịp tắt, mưa biển đã thôi rơi. Cũng nhanh chóng như khi đến. Dưới kia, phố hiện ra thật lạ. Nét và thật thanh mát! Xinh đẹp và hấp dẫn. Mày đã gội mát cho người bạn phố của mày như  thế đó hả mưa?


II.
        - Em ơi, ở đây chỗ nào ăn tốt hả em?
       Chàng lễ tân trạc ngoài đôi mươi, giọng Bắc ngước lên nhìn người khách váy áo dài chấm gót chân.
- Chị ra HHT, quán.... ở đó có cả lẩu, cơm..
- Có xa không?
- Đi thẳng tới ngã ba rẽ trái, khoảng 1 cây rưỡi....
- Cám ơn em!
**
- Taxi! 
Chiếc taxi màu xanh trờ tới.
- Cho đến HHT!
...
- Ở đây chỗ nào ăn được bác tài?
- Các anh chị muốn ăn đồ chi? Hải sản? Lẩu?
- Vâng!
...
Hoàng HHT đây rồi. Có nên vào Nhà hàng Bạc Liêu này không? hay nhà hàng bên kia nhỉ?
...
             Sau vài lần chùng chình, chù chừ , chiếc taxi  quay đầu trở  lại.
- Thôi tui bảo thiệt, giờ tui đưa các anh chị đi ăn lẩu, chỗ đó hơi xa , 10 km nhưng đồ ăn tươi, họ bán đúng giá! Ở  HHT này không ngon mà họ chém ác lắm.
- Vâng!
          Rời khỏi HHT, người tài xế sôi nổi hùng hồn:
- Các anh chị phải tu mấy kiếp mới gặp được tui đấy! Nghe các anh chị nói đến HHT, tui đã băn khoăn rồi. Đến đó ít nhứt bữa ăn họ phải chém 5 triệu. Tui chỉ chở các anh chị tới đó là tui đút túi 1 triệu. Nhưng tui không làm thế!
 - Ôi, vậy thì tôi không trở lại nơi này nữa đâu! tôi không trở lại nơi này nữa đâu!
Không hề để ý đến câu nói của nữ hành khách, tài xế cứ nhiệt tình nhắc đi nhắc lại " ....5 triệu... tui ngần ngừ.... tui được 1 triệu... đừng ăn ở HHT...!"
***
   Con đường dẫn tới chỗ ăn lí tưởng cho du khách như lời tài xế giới thiệu uốn lượn theo bờ biển. Càng đi phố biển càng nhiều màu sắc. Muôn ngàn ánh sáng cao thấp nhấp nhánh, nhập nhòa, các khu vui chơi tấp nập người xe, các nhà hàng ồn ào khách ẩm thực vào ra.. Nhà hàng này dựa vào vách núi như nhiều nhà hàng ở  đây. Từ chỗ ngồi trên cao,  khách có thể tha hồ phóng tầm mắt xuống đường, ra phía xa ngắm vẻ đẹp của phố trở về đêm và biển. Vị trí ngồi ăn và cái hào phóng của gió biển nơi đây chẳng mấy chốc đã xua tan những gờn gợn không vui do cuộc nói chuyện trên đoạn đường khi trước..

***

               Sau giấc ngủ dài, biển ngoài ô cửa đã kín người
              Bình minh đã qua nhưng nắng vẫn nhẹ nhàng quá. Thời tiết thật đẹp. Phố biển như một con người ôn hòa lịch sự, không còn đâu vẻ khó chịu chiều qua. Cát ven bờ  mới đáng yêu làm sao. Trắng, mịn màng, lặng im, êm ái. Không hề ngăn bước chân ta đến với sóng. Chẳng giống cát ở mấy bãi biển ta đã biết, cứ cản bước chân khi người nóng lòng ra chơi với sóng, cứ níu lấy, ghì lấy chẳng chịu buông khi người đã mệt sau cuộc đùa vui muốn về  chốn nghỉ ngơi.  
-       Sao cát ở đây lại phẳng thế nhỉ? Phẳng lì như đường ấy!
-       Tại chiều qua vừa mưa nên mới vậy!
-       Có đúng không nhỉ???
***
         Không đúng. Bởi vì sau một ngày phơi mình dưới cái nắng 30 độ, chiều nay cát vẫn vậy. Phẳng lặng, dịu dàng mơn mát đôi chân trần. Kia kìa, có một tốp thanh niên chở nhau trên 2 xe gắn máy xuống tận mép nước chơi đùa. Lần đầu tiên mới thấy cảnh này. Lạ thật!
          Lạ nữa là lượng người chiều cuối tuần xuống bãi tăng đột biến nhưng không nhiều lắm người dùng thời trang riêng cho không gian biển. Muốn có một tấm ảnh với biển quá mà phải đi qua đi lại trước mặt và nhìn người thợ ảnh già tới 3 lần mới được ông ta để ý. Muốn thưởng thức chút đồ ăn nào đó do tay người phố biển chế biến nhưng đi tìm một quãng dài không ra. Muốn tìm một người chủ nhận giữ đồ cho thuê áo phao mà họ ở đằng xa tít. Vậy là  cứ  giữ nguyên trạng như  từ ở rừng về  để  đến với biển vậy. Bụng rỗng và đồ dài. Cho xynh.:)      

***                     

              Sóng ở  đây thoạt tiên cứ ngỡ hiền nhưng không phải vậy. Không giống như sóng ở những vùng biển đã từng quen, những con sóng ở đây không có phương nhất định mà cứ chênh vênh đổ về từ nhiều hướng. Không đe dọa con người bằng chiều cao đáng sợ nhưng vận tốc và sức xô đẩy thì không thể coi thường. Không chỉ dễ làm người ta ngã khi xô đến, sóng còn làm người ta chông chênh hơn khi nó rút. Cả một vùng bỗng ngả nghiêng, nước nước lũ lượt trở về phía mênh mông. Khi đi nó cũng muốn kéo luôn ta về cùng. Cái lối ra đi khiến người ta phải chòng chành chóng mặt. Mi đáng sợ thật đấy, biển sóng... ơi! 
                  Nhưng cũng như chiều trước, chưa cho ta kịp thấm hết cái ý vị riêng của nó thì biển lại chối từ ta bằng một cơn mưa lớn. Lại giận dữ trút ào ào rồi phút chốc lại tạnh không.
               Và cảm xúc của ta lại trở mình về hoàng hôn thanh mát trên phố biển.
                 Để rồi chân ta lại thèm nhớ tìm về những âu yếm dịu dàng của bờ cát biển đêm.
                    lần cuối. trước buổi chia tay.
III.
                 Ta biết ta sẽ mang theo bờ cát ấy trong nỗi nhớ  về phố biển mưa chiều.

7 nhận xét:

  1. 15 năm trở lại vùng biển xưa, trời đất cảm động hóa thành mưa ...15 năm sau bạn trở lại có khi trời lại nắng.

    Trả lờiXóa
  2. Người ân tình con mắt nhìn tự nhiên cũng đậm tình thương mến. Cám ơn bác Bu đã động viên CT.:)
    Nhưng bác Bu ơi, 15 năm sau trời nắng có nghĩa là nó đã khô hết cảm động và chuyển sang tức giận ư? Huhu

    Trả lờiXóa
  3. Lúc cảm động quá người ta có thể cười hoặc khóc, hai trạng thái ngược nhau . Trời cũng vậy vui quá thì mưa hoặc... nắng.
    Nhà thơ thì cho đó là bệnh: "Nắng mưa là bệnh của trời, nhớ thương là bệnh của tôi yêu nàng" (Nguyễn Bính).
    Thế đấy, với nhà thơ thì yêu là bệnh vô cùng khó chữa..huhu

    Trả lờiXóa
  4. Trời phố biển dễ xúc động ghê, xem ra hong có giống con người phố biển lắm...
    Bác Bu ơi răng mà bác lại khóc cơ chứ? :))

    Trả lờiXóa
  5. Bác Bu lạ thật, không sợ bệnh cơ thể, vẫn cười hihi đợi cái chết dù biết là nó tới dẫu hơi mau mà sao lại sợ bệnh yêu. Chắc bác đã có nhiều nỗi khổ vì bệnh này quá rồi sao ạ? :))

    Trả lờiXóa
  6. Bu có tật ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
    Lo hộ thiên hạ chứ còn bu thì không khổ sở gì về cái bệnh này cả.

    Trả lờiXóa