Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

ĐỪNG HỎI

Những tán cây vạm vỡ gục đầu
Xơ xác
Lang thang ăn xin
- Ơ cây kia, mày ở nơi nào?
Khỏe mạnh thế
Ăn xin chi ai giúp!




- Người có thương thì cho chút nước
Để mát lòng kẻ lưu lạc đường xa
Xin đừng hỏi đến quê nhà
Mà tủi thầm lá này thêm trút bão

Người thật may vì sạch thân mát lá
Lao xao cười dù mai mảnh tấm thân
Những cánh tay vươn, đua với trời xanh
Bởi đất mẹ của người luôn khích lệ

Tươi xanh trong lòng mẹ ấp ôm người sao biết được
Có những phận cây phải phiêu bạt xứ người
Gạt lệ nhìn về một vùng trắng như vôi
Và trắng nước ngả nghiêng khi bão tới

Phận cây ấy có đâu tham xứ lạ
Vui chi đâu bước muôn bước lưu ly
Người đoái thương thì cũng có vui gì
Thân hành khất mỗi bước thêm sa lệ

Phận cây ấy vẫn tưởng ngày tháng cũ
Vòm lá xanh reo, thách mùa nắng rát về
Thân kiêu hãnh vươn những tay dũng mãnh
Đất mẹ mát lòng, ta há sợ nắng giông!

Đất mẹ nghèo dạy ta biết bao dung
Biết tình nghĩa, không tham màu bỏ bạc
Anh em ta ngày lại ngày góp sức
Trên đất mẹ nghèo khúc hạnh phúc vẫn reo xanh

Đâu ngờ một ngày đất bốc lửa chuyển rung
Anh em ta tan đàn sẻ nghé
Chúng ta với lên cao xanh, cao xanh không tới
Bao thân gỗ quay cuồng cháy gục xuống đất nung

Những hồn cây giờ vơ vất tám phương
Đau đớn đoái về miền quê yêu cũ
Ngóng cao xanh phái thần phong vũ tới
Rưới mát lành cho đất quê lại hồi sinh
***
Nỗi thống bi này ta chỉ nhủ với lòng
Sao có thể đem phơi cho người thương hại
Phận ăn xin đã muôn phần cay cực
Còn chút liêm sỉ cuối này lẽ nào cũng thả rơi
***
Dù thân này có mãi kiếp ngửa tay
Quê hương ta nơi nào
Người ơi xin đừng hỏi!
                                 (Cho tháng Ba và những hàng cây đã ngã)

16 nhận xét:

  1. 1- Người Hà Nội phản đối vụ tàn sát cây xanh trên đường phố thủ đô bằng muôn hình muôn vẻ. Trèo lên cây, dán khẩu hiệu lên cây, quỳ đọc văn tế cây…Cầu Tre không ồn ào thế, chỉ nhân cách hóa phận cây như phận người. Xác thân cây bị băm nát, linh hồn cây vất vưởng không nơi vãng sinh. Trong nỗi đau tột cùng ấy linh hồn cây đất Tràng An không nỡ tố cáo cái xứ sở đã sinh thành ra mình. Không nỡ mắng vào mặt những kẻ tàn sát cây hàng trăm năm tuổi. Vâng! xin bàn dân thiên hạ đừng hỏi về tôi, đừng bắt tôi khai ra quê hương tôi là thủ đô ngàn năm văn vật, là Thành phố Hòa Bình được thế giới vinh danh. Lời thơ thủ thỉ mà xót xa, sâu cay, thức tỉnh được lương tri người đọc.
    2- Bu tui cung cấp thêm cho bạn vài thông tin về cây trong sách “Biểu tượng văn hóa thế giới” (của hai tác giả người Pháp Jean Chevalier và Alain Gheerbrant bà Nguyễn thị Bình giới thiệu, nxb Đà Nẵng 1997). Mục nói về cây dài 6 trang 19X27 trong số 1057 trang của sách, chữ nhỏ li ti
    Trang 141: Cây là biểu tượng của sự sống trong tiến hóa liên tục, trong sự vươn lên phía trời, cây gợi nhớ toàn bộ hàm nghĩa biểu trưng của chiều thẳng đứng…Mặt khác nó cũng được dùng để biểu thị tính tuần hoàn của biến hóa vũ trụ: Sự chết và sự tái sinh…Nó tập hợp tất cả các nguyên tố: nước lưu thông trong nhựa của nó, đất hòa nhập vào thân thể của nó qua rễ, không khí nuôi dưỡng lá nó, lửa tóe ra tự sự cọ xát của nó…
    Trang 144: Người Yakoute kể rằng ở giữa rốn trái đất mọc lên một cây tám cành nở đầy hoa…Từ tán lá chảy xuống một thứ nước thần sủi bọt vàng. Những lữ khách nào uống nước ấy thì sự mệt mỏi đói khát tan biến…Khi người đàn ông đầu tiên xuất hiện trên trần gian, anh ta muốn biết vì sao mình ở đây và đã đi đến cây đại thụ khổng lồ ấy mà ngọn nó chọc thủng trời …và anh ta nhìn thấy trên thân cây kì diệu ấy …một cái hốc, trong hốc một người đàn bà nhô lên đến thắt lưng và nói với anh rằng anh đến thế gian này để trở thành tổ phụ của loài người…

    Trả lờiXóa
  2. 1. Cám ơn bác Bu rất nhiều vì lời bình thấu cảm và lay động lòng người xa hơn bài viết của bản chủ rất nhiều ạ!:)
    2. Được bác Bu ghé đọc và bình luận trước nay quả là Rất hân hạnh với ngôi nhà lá quá tuềnh toàng của CT đấy ạ! Bác Bu kiến thức rộng sâu, như một từ điển quí hiếm, CT thấy mình thật may mắn:) và cũng thật hổ thẹn khi nghĩ đến vốn hiểu biết cạn hẹp của mình..
    3. Ngoài đời CT nóng nảy, hay nói to.:( Nhưng khi buồn xót quá thì chẳng làm sao cất đc miệng. CT nghĩ người ta chỉ mắng mình khi người ta còn nghĩ mình biết sửa sai. Chứ khi niềm tin vào nhân tính và sự phục thiện đã không còn thì ai còn mắng nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu lấy làm lạ về câu "và cũng thật hổ thẹn khi nghĩ đến vốn hiểu biết cạn hẹp của mình..". Trên đời này có gần 6 tỉ người không ai giống ai về mọi phương diện". Số người kém hiểu biết hơn CT biết đâu đên hàng tỉ người, họ có bao giờ thấy hổ thẹn như CT vậy

      Xóa
    2. Bác Bu thấy lạ sao? CT thì lại nghĩ cái tâm lý đó rất phổ biến ạ!:)

      Xóa
    3. CT cho là phổ biến thì nó là phổ biến với ...CT
      Bu không thấy hổ thẹn khi thấy con gái mình có một lúc hai bằng đại học: cử nhân Kinh tế và cử nhân tiếng Anh. Cũng không hổ thẹn với chú em trai khi chú ấy sáng tác nhạc và chơi ghi ta rất hay, cho du trước đây bu tui vở lòng cho chú ấy về nhạc lý cơ bản, Hậu sinh khả úy, người sinh sau mới đáng sợ. Người sinh trước có thể cũng đáng sợ vì tuổi tác và trải nghiệm đời

      Xóa
    4. Vânng! Vẫn là chuyện vũng nước và hai người ạ! :)
      CT cũng không hổ thẹn khi con mình đạt giải nhất kỳ thi cấp Thành phố, em gái mình hát tiếng Anh rất hay trong khi mình hoàn toàn không hát được nửa câu mà chỉ biết nghe mê say. Nhưng CT vẫn hổ thẹn mỗi khi ai đó nhắc cho CT thấy kiến thức của CT thật cạn hẹp. (Bác Bu là một trong số đó:)))
      Người xưa có cụm "nguyệt thẹn hoa nhường"... Vậy tâm lí ấy của CT cũng có trùng hợp với vài ba bốn bác Bu nhỉ!
      Mà đó là nhan sắc, thứ được cho là trời ban, còn kiến thức thì người ta vẫn coi là có chủ yếu do cá nhân bồi đắp....

      Xóa
    5. huhu bác bu nhắc khi nào nhỉ?

      Xóa
    6. Vẫn thường thường đó bác Bu! :))
      Và CT cám ơn bác Bu vì điều đó ạ!

      Xóa
  3. CT không nhớ đã chứng kiến ngoài đời,đọc truyện hay xem phim câu chuyện này:
    + Có một thằng bé đã nói với đám bạn học của nó rằng mẹ nó là kỹ sư nông nghiệp và tên là Y khi đám bạn hỏi về mẹ nó.
    Nhưng không may trong đám bạn có đứa sau đó phát hiện thằng bé nói dối, bèn nói cho chúng biết.Đám bạn vừa khinh bỉ vừa tức giận nên kéo nhau đi gặp thằng bé để hạ nhục nó.Thằng bé đã đấm vào mặt thằng bạn vừa gọi nó là con của mụ X làm nghề đứng đường(cạnh gốc cây).
    Sau khi tơi tả vì đám bạn, nó chạy về chui vào một góc khuất khóc cay đắng.
    Câu chuyện này quen bác Bu nhỉ!

    Trả lờiXóa
  4. TT chào chủ nhà!
    TT vốn không có thói quen chào hỏi lấy lệ. Đáng ra TT sẽ 2 tay bê chén cháo cóc sang kính CT vì bài thơ xuát thần trên. Đành tạm thiếu lễ vậy!
    Mạn phép cho TT góp ý 1 tẹo:
    - Cụ Chu Văn An được suy tôn nhưng TT nghĩ cụ là điển hình của "thông tuệ" chứ không phải điển hình của sự hiểu biết. Ví như cụ không vinh vì rất nhiều học trò đổ đạt, không buồn vì nhiều học trò là thợ là nông dân, cũng không thẹn vì có học trò thành trộm cướp. Cụ dạy học với một chữ "tâm".
    - Mỗi người đều là một độc nhất vô nhị, mỗi người mỗi hoàn cảnh, có cái rất riêng, điều đó mới quý. TT nghĩ cây lim cây bách cũng không nên so sánh với ngọn cỏ cọng rau.
    Nếu có thẹn chăng thì là "tự hỗ thẹn" vì quên mất tình người, quên mất đồng bào, bỏ mất liêm sĩ ...
    Còn lại TT nghĩ cá nhân, Nguyễn Du làm nên "Truyện Kiều" hay chính tác phẩm làm cho tên của cụ còn mãi. Nguyễn Du đã mất, ông là ai? ông như thế nào về chính con người ông, ai biết? ông uyên bác hay ông là bậc hiền nhân? ai biết? Nhưng rõ chỉ có tác phẩm là mọi người đọc và tự mình cảm nhận. Đã từng có ai đem so sánh văn hào với bác nông dân? Không có, vì nếu có đó là xúc phạm cả hai. Người nông dân làm ra hạt lúa chẳng lưu danh, nhưng có ai không biết hạt gạo nuôi chính mình khôn lớn.
    Xưa có câu "bể học vô bờ, chăm học làm bến" "có học có hạnh" chẳng phải vấn đề biết nhiều đã không được xem chủ yếu.
    Những gì TT viết đó là suy nghĩ hoàn toàn cá nhân (bây giờ gọi là chủ quan gì gì đó) nên nó không hề là thước đo là khuôn mẫu. Nếu trật lất hy vọng người bỏ ngoài tai.
    Kính chúc CT vui khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. + Vâng, CT cũng nghĩ rằng cây lim thì không nên so sánh với cây cỏ cọng rau, đom đóm thì đừng nghĩ phải thẹn với vầng nguyệt bạch giữa trời..
      + Nhưng mà CT nghĩ là: đôi khi cũng nên so sánh bác nông dân với nhà văn bằng cách xếp những giạ thóc của bác ta bên những cuốn saách của nhà văn. Nếu sách quá nhẹ mà thóc quá nhiều thì ông nhà văn phải thẹn với bác nông dân và ngược lại :)
      + Sự học vô bờ, quí ở chỗ người ta không vì sợ cái mịt mù của nó mà không gắng chèo con thuyền của mình tới một cái bến nào đó. Còn kẻ cứ mặc dòng nước đẩy đưa thì rõ ràng là ý chí đã non kém quá rồi, lẽ nào cả đến sự hổ thẹn cũng không biết nốt?!

      Xóa
  5. CT rất là cám ơn TT vì đã sang thăm và có lời còm thật tâm huyết dành cho bản chủ..
    Nhưng mà.. chữ của TT nặng quá, CT e là mình không vác nổi ạ. Nên CT xin được bỏ bớt một số để nhờ người phù hợp ạ.
    Dù thế nào thì CT cũng chỉ là kẻ hậu sinh..

    Trả lờiXóa
  6. Trên trang bu tui xuất hiện bài Chị của CT nhưng sang đây lại thấy hỏi là thế nào nhỉ

    Trả lờiXóa
  7. Chắc tại quản trị viên rồi bác Bu, bài đó CT viết mãi vẫn chưa thành, chỉ mới lưu nháp thôi à:)

    Trả lờiXóa
  8. Tháng Ba đã qua lâu rồi, hàng cây mới cũng đã loi thoi lên lá. Nhưng tại sao tất cả vẫn vẹn nguyên ở góc nhỏ này, đánh động người ta nhiều hơn chúng tưởng. Cho nên người ta ghét vào blog là vậy!

    Trả lờiXóa
  9. Vậy nên mới nắng nóng oi nồng dai dẳng đến bức bối, rồi thì một chiều kia, đêm kia mưa xối xả ầm ào hơn trút, rôìthi sáng mai lại nắng nóng tạnh không, hờ hờ

    Trả lờiXóa